12 loài cây cảnh trong nhà phù hợp cho không gian sống hiện đại.
Cứ 10m² chúng ta cần tối thiểu 2 chậu cây để làm sạch không khí. Theo nghiên cứu của NASA (Mỹ), nhiều loại cây xanh có khả năng hấp thụ đến 85% các độc tố benzen, tricloetylen, formaldehyde và xylene phát ra từ khói thuốc lá, hóa chất và thiết bị điện tử trong nhà. Chúng còn mang đến cho không gian sống nguồn năng lượng xanh vô tận và giúp xoa dịu những căng thẳng bằng thú vui chăm sóc cây cối nhẹ nhàng hằng ngày. Tìm hiểu 12 gợi ý dưới đây để lựa chọn loài cây trồng phù hợp với không gian sống của bạn!

- Cây kim tiền (ZZ plant):
Cây kim tiền là biểu trưng của sự thịnh vượng và giàu có, có khả năng giữ nước và sinh trưởng tốt trong điều kiện ánh sáng tự nhiên không trực tiếp dưới mặt trời nên vô cùng phù hợp để trang trí trong nhà.

Cây kim tiền (ZZ plant)
- Cây đa búp đỏ (Rubber plant):
Cây đa búp đỏ có nguồn gốc từ Đông Nam Á với nền khí hậu nhiệt đới nên phù hợp sinh trưởng trong môi trường có ánh sáng mặt trời gián tiếp, đất ẩm và độ ẩm cao. Phiến lá dày và bóng như sáp bắt sáng tốt giúp không gian sáng sủa hơn. Cây đa búp đỏ hấp thụ tốt khói thuốc lá và các khí độc khác để trả lại không khí trong lành cho gia đình.

Cây đa búp đỏ (Rubber plant)
- Cây cỏ gương (Chinese Money Plant):
Cây cỏ gương có nguồn gốc từ Trung Quốc mang ý nghĩa tiền tài với dáng lá hình đồng xu mọng nước. Chúng thường cao khoảng 30cm và phát triển nhanh như cỏ dại dù không dành nhiều công sức chăm sóc. Cỏ gương ưa ánh nắng nhẹ, có thể làm đẹp cho góc làm việc, bậc cửa sổ với các chậu nhỏ treo hoặc để bàn.

Cây cỏ gương (Chinese Money Plant)
- Trầu bà lá xẻ (Monstera):
Theo NASA (Mỹ), trầu bà xẻ là một trong những loài cây thanh lọc không khí tốt nhất khi có thể hấp thụ độc tố gây ung thư phát ra từ các hóa chất và thiết bị điện tử trong nhà. Chúng có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ nên nên có thể phát triển tốt với khí hậu ở các tỉnh phía Nam Việt Nam. Đây là loài cây thân thảo với phiến lá to có tạo hình độc đáo, tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ.

Trầu bà lá xẻ (Monstera)
- Cây lan ý (Peace Lily):
Cây lan ý được xếp trong danh sách những loài cây thanh lọc độc tốt nhất với khả năng loại bỏ bụi bẩn, hấp thụ các năng lượng bức xạ nhân tạo. Đây là loài cây mọc thành bụi, có vẻ ngoài thanh nhã với lá gân xanh thẫm và hoa trắng muốt. Với chiều cao sinh trưởng tối đa khoảng 0.5m, chúng được trồng ở nhiều không gian khác nhau trong nhà, từ bàn làm việc, tủ kệ hay góc phòng đều vô cùng phù hợp.

Cây lan ý (Peace Lily)
- Cây lưỡi hổ (Snake plant):
Cây lưỡi hổ có dáng lá dài với 2 màu xanh - vàng đặc trưng, thường mọc khá cao có thể là điểm nhấn tuyệt vời cho những chiếc bàn thấp. Khác với những loài cây khác, loài cây này ban đêm vẫn hấp thụ độc tố qua lá và nhả ra oxy tinh khiết, tạo môi trường trong lành cho giấc ngủ ngon. Chúng có sức sống bền bỉ khi vẫn phát triển tốt trong môi trường ánh sáng kém và tưới nước không đều đặn.

Cây lưỡi hổ (Snake plant)
- Cây thiên điểu (Bird Of Paradise):
Cây thiên điểu có hình dáng độc đáo từ lá đến hoa. Chúng thuộc loài thân thảo cứng cáp ưa ánh nắng mặt trời, lá thuôn dài xanh thẫm cùng hoa màu cam khoẻ khoắn và rực rỡ có thể tạo ấn tượng trong bất kỳ không gian nội/ngoại thất. Tuy nhiên bạn cần cân nhắc vì hoa thiên điểu chứa một số độc tố ảnh hưởng đến đường ruột.

Cây thiên điểu (Bird Of Paradise)
- Cây bàng Singapore (Fiddle-leaf Fig):
Là loại cây nhiệt đới, cây bàng Singapore rất phù hợp sinh trưởng ở những nơi có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều như nước ta. Cây có dáng thẳng đứng khí phát và phiến lá to, xanh tốt quanh năm. Với khả năng thích nghi tốt và tạo hình đơn giản đó, chúng phù hợp trang trí tại nhiều không gian nội thất, vừa điều hoà không khí, vừa là điểm nhấn thiên nhiên trong nhà.

Cây bàng Singapore (Fiddle-leaf Fig)
- Cây thường xuân (Ivy plant):
Cây thường xuân là loài dây leo với dáng lá đẹp mắt, có thể phủ xanh một bức tường bên ngoài hoặc trang trí trong nhà với nhiều loại chậu khác nhau: chậu để bàn, chậu treo,... Chúng có khả năng thanh lọc không khí bằng cách hấp thụ nhiều chất độc trong môi trường sống như aldehyde formic, phenol hay chất gây ung thư trong khói thuốc lá.

Cây thường xuân (Ivy plant)
- Xương rồng (Cactus):
Sở hữu nét đẹp gai góc độc đáo, loài cây xương rồng mọng nước rất dễ chăm sóc và có sức sống bền lâu. Chúng cũng thuộc loài hút khí độc để trả lại không khí trong lành cho con người. Tuy nhiên, lớp gai nhọn có thể gây nguy hiểm khi đặt ở những khu vực hẹp hoặc ra vào thường xuyên, đặc biệt lưu ý khi gia đình có trẻ nhỏ hoặc thú cưng.

Xương rồng (Cactus)
- Nha đam (Aloe vera):
Bên cạnh khả năng trị bệnh và chăm sóc da, nha đam còn có khả năng thanh lọc không khí vượt trội. Với thân mọng nước dễ thích nghi trong mọi môi trường, chúng dễ chăm sóc trong nhà và có thể giải phóng lượng Oxy lớn vào ban đêm, vô cùng phù hợp khi đặt ở phòng ngủ để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Khi có quá nhiều khí độc trong không gian, trên lá nha đam sẽ xuất hiện những đốm nâu nhỏ để cảnh báo với chúng ta.

Nha đam (Aloe vera)
- Cây dây nhện (Spider plant):
Trong 24 giờ, cây dây nhện có thể hút tới 85% lượng chất độc Formaldehyde (có trong khói thuốc, chất bảo quản) và nhả khí oxy trong lành, ngay cả vào ban đêm. Chúng sinh trưởng không cần nhiều ánh sáng và công sức chăm sóc, phù hợp khi bạn quá bận rộn và thường bị căng thẳng do chất lượng giấc ngủ kém.

Cây dây nhện (Spider plant)
Nguồn ảnh: Pinterest & Unsplash