5 chất liệu bề mặt ưu việt cho hệ tủ gia đình.
Khi con người ngày càng có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên để định hình không gian sống, họ sáng tạo và đem đến những giải pháp thay thế bề mặt ưu việt để tận dụng hết giá trị kinh tế của vật liệu. Đối với các hệ tủ bếp và tủ áo, chúng chiếm một khoảng đáng kể trong tổng thể ngôi nhà, vì thế được cân nhắc thiết kế sao cho luôn phát huy tối đa hiệu quả công năng và tính thẩm mỹ. Hiểu được nhu cầu đó, TÔT mang đến thông tin về 5 loại chất liệu bề mặt điển hình cho hệ tủ, là những gợi ý hữu ích trong các thiết kế kiến trúc dân dụng hiện nay.

Melamine
Cấu tạo Melamine bao gồm 3 lớp: Overlay (lớp màng phủ bên ngoài), Decorative Paper (lớp phim tạo màu mỹ thuật) và Kraft Paper (lớp giấy nền) liên kết với nhau bằng keo melamine ở nhiệt độ và áp suất cao. Melamine có màu sắc đa dạng, khả năng chống thấm nước, trầy xước và tác động của hóa chất cũng là ưu điểm của Melamine. Điểm trừ duy nhất của bề mặt này là thường để lại dấu vân tay trong quá trình sử dụng. Trên thị trường, Melamine có giá thành rẻ, phù hợp với nhiều phân khúc người dùng.

Bề mặt Melamine chống thấm nước và trầy xước tốt.
Sơn
Từ gỗ, nhựa hay kim loại,… sơn đều có thể trở thành lớp áo bảo vệ đầy thẩm mỹ cho sản phẩm nội thất. Hiện nay, sơn pigment hay pigment 2k thường được sử dụng trong các thiết kế dân dụng nhất nhờ hiệu quả phủ bóng/ mờ mà chúng mang lại, giúp bề mặt sản phẩm luôn phát huy được ưu điểm chịu nhiệt và chống trầy xước. Đây là loại chất liệu bề mặt đa dạng nhất về màu sắc, giúp người dùng có thể linh hoạt sáng tạo bằng mức giá thành vô cùng hợp lý.

Sơn có bảng màu sắc đa dạng và giá thành rẻ.
Laminate
Tấm laminate có cấu tạo gồm 5 lớp liên kết chặt chẽ với nhau bằng keo trong quá trình gia nhiệt tạo nên sự ổn định vững chắc cao. Chất liệu này sở hữu bảng màu sắc và đường vân đa dạng cùng nhiều kiểu bề mặt như mịn, mờ, gương bóng, vân nổi hay vân xước,... Ngoài những đặc tính tương tự như Melamine, Laminate còn có khả năng kháng nước tuyệt đối, chống cháy và không bám bẩn hay để lại dấu vân tay ngay cả khi thường xuyên tác động.

Laminate kháng nước và không để lại dấu vân tay khi sử dụng.
Acrylic bóng gương
Bề mặt Acrylic có độ nhẵn bóng và phẳng mịn, giúp tạo cảm giác không gian rộng và thoáng đãng hơn. Acrylic rất dễ lau chùi và có nhiều sự lựa chọn màu sắc trẻ trung hay vân đá sang trọng. Nhược điểm của chất liệu này nằm ở việc khó xử lý các vết trầy xước trong quá trình sinh hoạt hằng ngày.

Acrylic bóng gương tạo cảm giác rộng mở hơn cho không gian.
Veneer
Khi nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, thì Veneer là một giải pháp thay thế hoàn hảo. Bản chất của tấm Veneer cũng là gỗ hoặc đá tự nhiên, một loại ván dùng để dán lên phần bề mặt, cho hiệu ứng thật không khác gì chất liệu tự nhiên với giá thành rẻ hơn rất nhiều. Gỗ sau khi khai thác sẽ được cắt thành những lát dày từ 0.3mm – 0.6mm, sau đó được phơi và sấy khô để cho ra những tấm veneer thành phẩm. Với veneer đá, lớp đá mỏng được gia cố cùng sợi thuỷ tinh, sợi cotton hay sợi bông để nâng cao tính ứng dụng trong đời sống. Nhờ độ mỏng nhưng cứng cáp và dẻo dai, veneer có thể tạo được những đường cong, cho phép thiết kế và điều chỉnh linh hoạt – điều mà gỗ hay đá tự nhiên không thể làm được.

Veneer có thể tạo đường cong linh hoạt nhờ bề mặt mỏng và bền.